Luôn học hỏi và đổi mới, anh Hòa tổng kết con đường bước đến thành công của mình ở ba chữ: “dám khác biệt”. Song song với công việc, anh Hòa vẫn miệt mài vun đắp kiến thức chuyên môn. Hiện anh đang là sinh viên năm cuối của TOPICA - chương trình đào tạo cử nhân theo phương thức trực tuyến khá mới mẻ tại Việt Nam.
Hướng đi “khác biệt” của cậu học trò mồ côi
Võ sư, doanh nhân Nguyễn Viết Hòa đã trải qua tuổi thơ khó khăn vất vả tại miền quê miền Trung nắng gió. Bố mẹ ly hôn từ khi anh còn nhỏ. Năm học lớp 10, mẹ anh mất sau một cơn bạo bệnh. Từ đó anh Hòa phải làm đủ mọi việc như soi cá, bắt ếch, bắt lươn, sửa xe, thợ hồ, bốc vác, đóng than tổ ong, nấu hàng ăn, rửa bát thuê... để tự nuôi mình và ba em nhỏ. Vậy nhưng anh vẫn không từ bỏ việc học hành của bản thân mình cũng như của các em.
Khi đang học lớp 11, khác với bạn bè cùng trang lứa đang tuổi ăn tuổi học, anh Nguyễn Viết Hòa vừa đi học vừa thành lập Võ đường Ngọc Hòa tại Nghệ An. Tự nhận nghề võ là “duyên nghiệp” của đời mình, anh chọn đó là con đường phát triển sự nghiệp. Trong thời gian ôn thi đại học tại Hà Nội và theo học võ thuật của những võ sư nổi tiếng. Năm 1996, anh nhập học khoa Luật - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và mở thêm Võ đường Ngọc Hòa tại Hà Nội. Đồng thời anh Hòa vẫn dạy võ tại Các câu lạc bộ Võ thuật, Trung tâm Huấn luyện vận động viên cấp cao Hà Nội.
Sau gần 20 năm “sống chết” với nghề, anh Nguyễn Viết Hòa đã nhận được nhiều thành tích đáng nể, gặt hái được nhiều giải thưởng, xác lập nhiều kỉ lục. Năm 2007 công ty võ đường Ngọc Hòa Việt Nam được Trung Tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam xác lập kỷ lục võ đường có số võ sinh theo học đông nhất Việt Nam với hơn 26.000 võ sinh tại 50 tỉnh thành trong cả nước.
Anh Nguyễn Viết Hòa được nguyên phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tặng Cúp tại lễ trao giải "Doanh Nhân Xuất Sắc Đất Việt"
Nhắc đến thành công của ngày hôm nay, anh Hòa tâm sự “Tôi yêu nghiệp võ từ khi còn nhỏ. Hồi đó được nghe chuyện về các anh hùng làm việc nghĩa, vì dân trừ gian diệt bạo là thích mê. Lớn hơn chút nữa, được học về các bận vĩ nhân của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh càng làm tôi thấm nhuần những suy nghĩ tốt đẹp, trượng nghĩa. Trong những tháng ngày cùng cực, tưởng như gục ngã đến nơi, chính tấm gương các bậc anh hùng như nhắc nhở tôi phải đứng lên mà sống tiếp, không chỉ vì bản thân mà còn vì các em. Điều quan trọng là khi đã làm việc gì là phải dồn hết đam mê và tình yêu cho nó, phải có gan sống chết với nó. Mình không phụ nghề thì nghề sẽ không bao giờ phụ mình”.
Võ sư – doanh nhân Nguyễn Viết Hòa và những khác biệt dẫn đến thành công
Có lẽ chỉ riêng chuyện một võ sư vừa hoạt động chuyên môn vừa làm kinh doanh đã là chuyện nghe khá lạ, vì khi nhắc đến nghiệp võ, mọi người thường liên tưởng đến chuyện gắn bó với thâm sơn cùng cốc, rèn sức luyện công hơn. Vậy mà võ sư Nguyễn Viết Hòa chọn đường đi khá khác. Học đại học chuyên ngành Luât, tham gia lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán, hoạt động du lịch, là chủ khách sạn Ngọc Hòa tại vùng biển Nha Trang xinh đẹp, những thế mạnh của vùng đất thuộc “top 20 bãi biển đẹp nhất thế giới” này đều được anh phát huy và thu về hệu quả. Thế nhưng tình yêu võ thuật vẫn đau đáu trong anh. Hiện anh là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Bảo vệ Ngọc Hòa VĐNH, chuyên về dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ.
Chia sẻ về triết lí kinh doanh, anh Hòa chia sẻ “Làm bất cứ công việc gì cũng vậy, bạn phải tìm ra được điểm mạnh, điểm khác biệt của bản thân để từ đó phát huy. Hiện nay nhiều doanh nghiệp có xu hướng sao chép lẫn nhau, vừa làm giảm lợi thế của mình, vừa khiến nền kinh tế Việt Nam thiếu bản sắc và thiếu tính cạnh tranh. Ở công ty, tôi luôn tìm tòi những điểm mạnh của mình từ để phát huy. Công ty tôi ngoài vực bảo vệ - vệ sĩ, các nhân viên còn được đầu tư chuyên sâu vào võ, vừa giúp anh em tăng cường sự nhạy bén, sức khỏe, vừa giúp rèn luyện tính kiên nhẫn, chịu đựng, hòa nhã mềm dẻo. Các dịch vụ cũng được chia ra các gói với mức giá khác nhau để đa dạng hóa phân khúc thị tường, tăng lựa chọn cho khách hàng. Màu sắc trang phục và logo công ty được thống nhất và sử dụng rộng rãi trong công ty, vừa tăng nhận diện thương hiệu, vừa giúp anh em tự hào về công ty”.
Võ sư Nguyễn Viết Hòa là trọng tài tại giải vô địch Karatedo Châu Á 2011
Bận rộn với công việc kinh doanh và chuyên môn nhưng anh Hòa vẫn chưa khi nào ngừng mong muốn học hỏi. Cứ hai tháng một lần, anh bay từ Nha Trang ra Hà Nội để tham gia các kì thi trong chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến TOPICA. “Trước tôi có học đại học nhưng hồi đó còn trẻ ham công việc quá nên bỏ dở việc học nhằm lập nghiệp. Giờ càng làm càng thấy kiến thức chuyên môn quan trọng lắm. Tôi tham gia học trực tuyến vì tiết kiệm được thời gian, có thể học mọi lúc mọi nơi, không bị gò bó về không gian hay thời gian gì cả. Các kiến thức được dạy bởi các thầy cô giảng viên doanh nhân vừa có chuyên môn vừa dày dạn kinh nghiệm, nhiều khi mình chia sẻ các vấn đề khó khăn trong công việc được các thầy cô tư vấn hướng dẫn nhiệt tình, đó là điều đáng quý mà khi ở ngoài không dễ gì có cơ hội như vậy”.
Thành công với nghề võ, trở thành tỷ phú nhưng anh Hòa vẫn không quên quá khứ cơ cực của mình. Anh Hoà tâm sự: "Ngày xưa nghèo mình nghĩ sẽ gắng làm ra thật nhiều tiền, song nghĩ cho cùng, đồng tiền ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không được sử dụng đúng mục đích". Vì thế, anh đã giúp đỡ hàng trăm thanh niên nghèo khó ở quê ra, đào tạo, tìm việc làm có thu nhập ổn định
Tác giả bài viết: Bùi Huyền Trang
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn