Tôi gặp anh tại một quán cà phê phố núi Buôn Ma Thuột khi anh từ Hà Nội vào làm trọng tài giải karate Cup các CLB mạnh toàn quốc.
Anh hồ hởi cho biết: "Bây giờ thì khác rồi, Đài Truyền hình Việt Nam vừa phát sóng chương trình "Người đương thời" về mình đấy! Ngày xưa mình chưa bao giờ dám nghĩ là có ngày này…". Đó là anh đang muốn nhắc về những kỷ niệm tuổi thơ côi cút của mình ở góc quê hương miền sơn cước xứ Nghệ thuở nào…
Tuổi thơ cơ cực
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Tân Kỳ, Nghệ An, đông anh em, cha mẹ lại ly thân, Hòa làm bất kể việc gì miễn là có tiền để đóng học và giúp mẹ nuôi em ăn học. Một buổi đến lớp, một buổi Hòa đi bắt ếch, soi cá, rồi buôn rắn, buôn thuốc lào… Có hôm, Hòa bước vào lớp mà trên má còn lem vết bùn chưa kịp rửa.
Năm Hòa vào lớp 10, mẹ Hòa đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh. Mọi việc dồn lên đôi vai gầy của Hòa. Cậu học trò nhỏ thó, đen nhẻm ấy cáng đáng tất thảy mọi việc để vượt qua những tháng ngày cơ cực.
Một buổi học, một buổi đi làm, làm thuê làm mướn, việc gì cũng được, miễn là có tiền cho lũ em no bụng. Với nỗ lực phi thường, anh đã học hết cấp 3, lại âm thầm theo các lò võ trong vùng để luyện tập.
Anh vừa theo học võ ở các lò ngoài thị trấn cách xa 25 cây số, vừa mở lớp dạy lại cho thanh niên ở làng. Lớp võ của Hòa đầu tiên chỉ có 2 võ sinh, sau 1 năm thì đã đông tới gần 100. Dần dà, mỗi lúc một đông, cứ như thế, cho đến lúc Hòa tạo được danh tiếng riêng cho lò võ của mình.
Và bây giờ, sau hơn 10 năm, con số đó đã là 26 ngàn võ sinh khắp các tỉnh: Nghệ An, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội… với 55 câu lạc bộ võ thuật - một con số khiến bất cứ võ đường nào cũng phải thèm muốn và kính phục.
Cũng bởi thành tích này và sự đóng góp của võ đường cho sự nghiệp thể thao, ngày 25/3/2007, Võ đường Ngọc Hoà được Sách kỷ lục Việt Nam xác lập và trao Cup kỷ lục: Võ đường có số võ sinh theo học đông nhất nước. Trước đó, ngày 15/8/2005, võ đường từng được xác lập kỷ lục: Công ty Dạy võ đầu tiên Việt Nam.
Thành công từ nghề võ
Năm 1994, đang học dở Khoa Luật Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thì Hòa nghỉ học để thành lập Võ đường Ngọc Hòa. 9 năm sau, Công ty Võ đường Ngọc Hòa ra đời. Anh chọn một lối đi riêng trong kinh doanh, vừa có thể làm giàu vừa có thể thỏa nguyện đam mê nghề võ của mình.
Theo đăng ký kinh doanh, Công ty CP tập đoàn võ đường Ngọc Hòa được phép hoạt động trên các lĩnh vực: Đào tạo và cung cấp vệ sĩ; sản xuất và cung cấp trang thiết bị thể thao, võ thuật, các thiết bị báo động, báo cháy; đào tạo HLV võ thuật, võ thuật cấp tốc, tự vệ và phong trào…
Hiện tại, Công ty đã đào tạo, quản lý một đội ngũ hơn 600 vệ sĩ cung cấp cho khách hàng và nhận đảm bảo an ninh cho nhiều sự kiện lớn diễn ra tại Hà Nội và các thành thị lân cận.
Bây giờ đã trở thành Tổng Giám đốc, bận bịu với hàng núi công việc nhưng Hòa vẫn dành thời gian để tự học, tự đọc các giáo trình, các học phần còn lại khi phải bỏ học dở dang chương trình đại học. Đặc biệt, anh còn dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm, viết sách võ thuật karate.
Năm 2006, Nguyễn Viết Hòa được Ủy ban Thể dục Thể thao công nhận trọng tài karate đẳng cấp quốc gia. Anh và học trò đã mang về cho võ đường hàng trăm huy chương trên các sân đấu. Riêng công ty đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trao tặng Cup Sen vàng năm 2006…
Thành công với nghề võ, trở thành tỷ phú nhưng Hòa vẫn không quên quá khứ cơ cực của mình. Hoà tâm sự: "Ngày xưa nghèo mình nghĩ sẽ gắng làm ra thật nhiều tiền, song nghĩ cho cùng, đồng tiền ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không được sử dụng đúng mục đích".
Vì thế, anh đã giúp đỡ hàng trăm thanh niên nghèo khó ở quê ra, đào tạo, tìm việc làm có thu nhập ổn định
Tuấn ThiệnÝ kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn